Sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì lưới điện hướng đến độ tin cậy cung cấp điện
Với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao, hệ thống điện trên thế giới phát triển mạnh mẽ về cả nguồn điện và lưới điện. Về nguồn điện, ngoài các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, điện nguyên tử, ngày nay thế giới đang phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối,…để thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch dần dần cạn kiệt.
Nguồn điện phân tán ngày càng phát triển mạnh mẽ (năng lượng mặt trời áp mái, điện gió,…) làm mạng lưới điện ngày càng phức tạp về các mặt như kết cấu lưới điện, quản lý vận hành cũng như ổn định cung cấp điện. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công tác vận hành lưới điện làm cho hệ thống điện ngày càng thông minh hơn và tiến tới một hệ thống điện Smart – Grid trên tất cả các lĩnh vực phát điện, truyền tải và phân phối điện cũng như khâu kinh doanh bán điện.
Bên cạnh đó hệ thống điện phải đối mặt với tình trạng các thiết bị điện ngày càng già cỗi, xuống cấp theo thời gian, sự biến đổi của khí hậu toàn cầu xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan gây bất lợi cho vận hành hệ thống điện cũng như thiết bị điện. Công tác sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị điện cũng như hệ thống điện phải đối mặt với các chỉ tiêu cung ứng điện như độ sẵn sàng cung cấp điện, độ tin cậy cung cấp điện, thời gian mất điện khách hàng, tỷ lệ tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối điện cũng như áp lực về chi phí.
Trước những thách thức đó đòi hỏi ngành điện phải đổi mới phương thức sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng truyền thống dần dần chuyển sang sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng theo độ tin cậy cung cấp điện. Dưới dây là các hình thức sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện.
1. Bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa( Corrective Maintenance – CM): Đây là hình thức đơn giản nhất của công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cũng như hệ thống điện. Tức là vận hành thiết bị cũng như hệ thống điện đến khi có hư hỏng mới đem ra sửa chữa. Căn cứ vào tính hình hư hỏng của thiết bị hay hệ thống điện để đưa ra quyết định sửa chữa hoặc thay thế phù hợp.
2. Bảo trì, bảo dưỡng dựa trên thời gian (Time Based Maintenance– TBM): Công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ thiết bị điện hoặc hệ thống điện dựa vào thời gian vận hành (bảo dưỡng 6.000 giờ, bảo dưỡng 12.000 giờ, bảo dưỡng sau 5 năm, bảo dưỡng sau 10 năm, …) thiết bị hoặc hệ thống điện đó. Đây là cách tiếp cận truyền thống và vẫn được các nhà sản xuất thiết bị các nhà vận hành hệ thống điện sử dụng rộng rãi ngày nay.
Công tác bảo trì, bảo dưỡng TBM thường có kế hoạch theo các khoảng thời gian định sẵn thường theo khuyến cáo của nhà sản xuất (OEM). Kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng TBM không tính đến kinh nghiệm vận hành hoặc tác động của hỏng hóc. Quy trình bảo trì, bảo dưỡng tiêu chuẩn
3. Bảo trì, bảo dưỡng dựa trên điều kiện (Condition Based Maintenance – CBM): Công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị điện hoặc hệ thống điện căn cứ vào điều kiện, tình trạng vận hành thiết bị, hệ thống điện khi đạt đến giá trị (ngưỡng định trước). Ví dụ bảo dưỡng bộ OLTC sau 7.000 lần hoạt động, bảo dưỡng máy cắt sau 1.000 lần hoạt động, … Công tác bảo dưỡng, bảo trì này có tính sẵn sàng cao và chi phí bảo dưỡng, bảo trì vừa phải.
Công tác bảo trì, bảo dưỡng CBM chỉ dựa trên cơ sở hoạt động của từng thành phần, không tính đến sự quan trọng của từng bộ phận cũng như ảnh hưởng của hệ thống khi không thực hiện được kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng.
4. Bảo trì, bảo dưỡng hướng đến độ tin cậy cung cấp điện (Reliability Centred Maintenance – RCM): Công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị hay hệ thống điện dựa trên việc đánh giá thiết bị hay hệ thống điện dựa trên hai khía cạnh: điều kiện vận hành của thiết bị và tầm quan trọng hay mức độ thiệt hại (tầm ảnh hưởng) của thiết bị đến hệ thống điện nếu thiết bị bị hư hỏng (hay sự cố) so với chi phí bảo trì, bảo dưỡng hoặc thay thế thiết bị đó.
Công tác bảo trì, bảo dưỡng theo RCM đã xuất hiện từ những thập kỷ 70 thế kỷ trước và được áp dụng đầu tiên trong ngành hàng không, sau đó RCM được nhiều ngành nghiên cứu và áp dụng.
Công tác bảo dưỡng, bảo trì thiết bị hay hệ thống điện theo RCM là một bước tiến trong việc áp dụng khoa học công nghệ, tin học vào trong công tác vận hành hệ thống điện. Công tác bảo dưỡng, bảo trì thiết bị hay hệ thống điện theo RCM đang được các nước trên thế giới nghiên cứu áp dụng.
Việc áp dụng hình thức bảo trì, bảo dưỡng RCM mang lại nhiều lợi ích như :
RCM hiện nay được xem là chương trình bảo trì, bảo dưỡng hiệu quả nhất trên thế giới. RCM sẽ giúp giảm chi phí bằng cách loại bỏ việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa lớn không cần thiết. RCM sẽ giúp giảm thiểu tần suất sửa chữa lớn. RCM sẽ giúp giảm khả năng hư hỏng thiết bị đột ngột. RCM giúp tập trung các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng cho các thành phần quan trọng. Giúp tăng độ tin cậy hoạt động của từng thành phần trong hệ thống. RCM sẽ giúp cho việc phân tích nguyên nhân chủ yếu các hỏng hóc và đưa ra quyết định bảo trì bảo dưỡng phù hợp.
Để có thể thực hiện phương pháp bảo trì RCM, việc trang bị các thiết bị chuẩn đoán tình trạng làm việc của các thiết bị điện (máy cắt, MBA, …) để có số liệu đánh giá tình trạng thiết bị hiện tại là vô cùng cần thiết. Trang bị các phần mềm, công nghệ thông tin và các chương trình hệ chuyên gia để phân tích đánh giá tình hình thiết bị điện và mức độ rủi ro, thiệt hại của hệ thống điện nếu thiết bị bị sự cố hoặc hư hỏng từ đó đề xuất chương trình bảo trì, bảo dưỡng cụ thể.